Hôm nay là ngày thứ hai mình vừa trở về TH sau chuyến công tác dài. Khỏi phải nói mình nhớ việc nấu các món mình yêu thích đến thế nào. Bạn có thể hình dung 1 tháng liên tục khi nhà bếp luôn phục vụ bạn những món Hoa nhiều dầu mỡ, các món thịt kết hợp với nước sốt đặc trưng và ít rau tươi (nếu có thì cũng lại rất nhiều dầu mỡ). Một ngày thư thái nghỉ ngơi và quyết tâm làm cho hai cái bụng nhà mình trở nên hạnh phúc hơn với món hợp khẩu vị, mình đã chọn phở gà Việt Nam làm thực đơn cho chiều nay.
Phở là món đặc trưng của người Hà Nội. Nói đến phở Việt, bạn có thể chọn phở gà, phở bò (tái, chín, nạm) khi bước vào một quán phở tại Việt Nam. Nếu bài bản, cách chuẩn bị phở khá chi tiết và cầu kỳ từ khâu chuẩn bị nước dùng (đun nhừ, đun lâu và kỹ nước xương hầm) đến khâu chuẩn bị sơ chế thịt, các loại rau gia vị. Cái hồn của phở chính là nước dùng. Sự cầu kỳ trong việc chuẩn bị góp phần tạo ra sự hài hòa tinh tế, ngọt bùi của nước phở. Từ hồi ở đây, mình cũng giản tiện đi khá nhiều mỗi lần có dịp nấu phở để đơn giản và chuẩn bị nhanh mà món ăn vẫn ngon. Sau đây, mời bạn cùng vào bếp với mình nhé.
Nguyên liệu:
Với cách nấu phở gà giản tiện này, bạn có thể chuẩn bị những nguyên liệu như sau cho 2 người ăn:
- 4 đùi gà ta (khoảng 500 gram) (lọc bỏ da, tách riêng phần thịt và xương)
- Sườn lợn (khoảng 250 gram) (chặt miếng vừa ăn, xát muối, rửa sạch)
- Rau mùi, hành lá thái nhỏ
- Hành lá phần trắng chẻ nhỏ
- 2 cánh hoa hồi, 1 miếng quế thơm (hoa hồi nướng sơ cho thơm)
- 1 mẩu gừng, 2 củ hành khô (gừng nướng chín, cạo vỏ, tương tự với hành khô)
- 1 nhúm hạt kỳ tử (có tác dụng làm nước dùng trong và ngọt hơn)
- 1 củ hành tây thái miếng mỏng (ngâm qua nước muối loãng 2-3 phút, vắt để ráo)
- 1 muỗng canh hạt mùi (tùy sở thích)
- Mắm, muối, hạt nêm
Cách nấu:
- Sườn lợn sau khi rửa sạch, cho lên nồi cùng nước lạnh ngập sườn, đun nhanh đến khi nước sôi và váng cặn mỡ nổi lên. Tắt bếp, chắt nước và rửa lại sườn cho sạch.
- Cho ít hành khô phi lên đảo cùng sườn lợn, thêm ít muối cho sườn săn lại và ngấm mặn. Đổ nước lạnh vào trong nồi vửa đủ lượng dùng. Cho gừng, hành khô, hoa hồi, hạt kỳ tử và quế (hạt mùi nếu thích) vào cùng 1 thìa canh gia vị, bật lửa lớn đun sôi. Thời gian này bạn có thể cho đùi gà (đã lọc riêng thịt và xương) đun cùng nước dùng.
- Sau khi nước sôi, có thể giảm xuống lửa nhỏ đun tiếp 15 phút. Kiểm tra khi thịt gà chín có thể vớt ra để nguội rồi thái miếng vừa ăn.
- Phần nước còn lại trong nồi bạn lọc lại qua rây, chắt xương sườn, xương gà và các loại gia vị còn lại để riêng, rồi đun sôi lại phần nước dùng, nêm gia vị vừa ăn rồi tắt bếp. Nước dùng sẽ có vị ngọt của xương sườn và xương gà, vị bùi của gừng, hồi, quế, vị ngọt thanh của kỳ tử.
- Nếu có phở tươi thì quá tốt. Còn không, bạn có thể dùng phở khô thay thế bằng cách đun nước lạnh cùng bánh phở đến khi sôi 2-3 phút, kiểm tra sợi phở đủ mềm vừa ăn thì vớt ra rá, tưới qua nước sôi để nguội và để ráo.
- Bánh phở tươi trần qua nước sôi, hoặc cho bánh phở đã nấu chín, để ráo lên bát dùng vừa ăn. Trang trí thêm hành chẻ và hành mùi thái nhỏ, thêm ít hành tây. Chan nước dùng lên, ăn nóng.
Lưu ý:
- Tô phở gà có vị nước dùng ngọt thanh mà đậm đà, trong, thơm đặc trưng với sự kết hợp hoàn hảo của gừng, quế, hồi, kỳ tử. Sợi phở mềm, thịt gà chắc, ngọt, thơm vị hành và mùi hòa quện giúp món ăn thăng hoa.
- Thưởng thức phở gà kèm tương ớt, ớt miếng hay chanh tùy thích. Phở gà cũng đậm đà và ngon miệng khi kết hợp cùng miếng quẩy béo ngậy.
- Từ lúc chuẩn bị đến nấu xong là khoảng 1 tiếng. Phở Việt có thể là bữa sáng, bữa trưa hay bữa chiều hoàn hảo của mọi gia đình Việt Nam.
Sau đây là vài hình ảnh về bát phở nóng chiều nay của nhà mình. Chúc bạn thành công !
Phở Việt - món ăn của người Việt
Phở gà
cũng đậm đà và ngon miệng khi kết hợp cùng miếng quẩy béo ngậy.
Khuyến mại anh xã và bản thân trà gạo rang (ảnh) và táo tráng miệng (không có ảnh) ;-)