Friday, February 17, 2012

Hội An, ngày trở về

 
Năm nay, lần đầu tiên tôi về với Hội An vào một ngày xuân. Không có cái nắng ướm vàng góc phố cổ, Hội An những ngày đầu xuân mang một vẻ đẹp khác mới bởi những dãy đèn lồng đủ màu sắc giăng khắp con phố và những chậu hoa cúc vàng đặt trước mỗi cửa nhà được tô điểm bởi những chiếc nơ đỏ dễ thương. Không khí Tết ở Hội An thật đáng yêu.
 
Ngày trở về Hội An, không khí trong phố cổ dường như náo nhiệt hơn những ngày mùa hè. Du khách Việt ít hơn mà thay vào đó, nhiều khách du lịch nước ngoài hơn đến với phố cổ. Có đôi chút ngạc nhiên đối với tôi bởi phố cổ yên tĩnh mà tôi từng yêu quý giờ đã khác nhiều hơn so với hai năm trước đây. Có những góc phố ồn ào hơn bởi tiếng nhạc hiện đại phát ra từ quán bar trong khu vực trung tâm, những quán cà phê trong nhà cổ dường như vắng hơn, nhường chỗ cho những không gian hiện đại của nhà hàng, tiệm quần áo thương hiệu Tây, quán rượu với cái tên cũng rất Tây, Q Bar, được trang trí theo motif hiện đại trong khung nhà cổ của phố Hội, thấp thoáng vài cửa hiệu minimart bán đồ uống, đồ ăn kiểu Tây ngay trung tâm phố cổ. Có cảm giác một cái gì đó như bị đánh mất trong tôi. Tôi thích sự yên tĩnh, xưa cũ của con đường, góc phố Hội An. Tôi thích sự giữ gìn từng chi tiết nhỏ cổ xưa trong các ngôi nhà cổ và hội quán. Tôi thích cây cầu Nhật Bản, với những chiếc đèn lồng đủ màu sắc tô điểm cho mái rêu xanh, bức tường rêu xanh mà bạn có thể dễ dàng bắt gặp trên con đường đi dạo khám phá. Tôi vẫn tìm thấy chúng, vẫn tìm thấy sự gần gũi và quen thuộc ấy. Nhưng cũng không khỏi chạnh lòng khi thấy phố giờ ồn ào theo kiểu thương mại hóa hơn, chạnh lòng khi các cửa hàng cửa hiệu có người nước ngoài quản lý điều hành giờ nhiều hơn bên cạnh các cửa hàng tranh sơn mài, đồ lưu niệm, cửa tiệm tailor đồ lụa của tiểu thương người Việt. Đành rằng đó là sự phát triển tự nhiên của thương mại và du lịch. Nhưng hình ảnh con phố thương mại hóa do du lịch tại Sapa những năm về trước và bây giờ không khỏi làm tôi lo sợ về sự thay đổi mà chỉ vài năm nữa thôi, nếu không được quan tâm đúng mức của những nhà quản lý địa phương, Hội An cũng sẽ rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Tôi chỉ có thể đi qua những quán bar trong các ngôi nhà cổ ồn ào tiếng nhạc mà không dám bước chân vào. Tôi chỉ có thể nhìn ngắm những chiếc áo ba lỗ, váy hai dây màu sắc và hiện đại tại các cửa hiệu quần áo do người nước ngoài điều hành. Họ thuê lại các nhà cổ làm cửa hiệu kinh doanh của họ, bán với giá cao hơn rất nhiều so với mặt bằng mặt hàng chung của người địa phương. Chúng tuy đẹp nhưng cũng chỉ phù hợp với khách du lịch nước ngoài đến thăm, chứ ngay cả với khách Việt Nam, kiểu dáng và giá cả không hẳn là phù hợp, mà chúng cũng không mang nét gì đặc trưng là sản phẩm với linh hồn Hội An cả.
 
Có những điều mà không hề thay đổi, đó là sự hồn hậu, nhiệt tình, thân thiện của những người dân sống trong khu phố cổ hay những ngôi làng nằm xa hơn trung tâm. Tôi lại được đạp xe qua các con phố, được ăn những món ăn địa phương tuyệt vời như cơm gà, thịt nướng cuộn bánh tráng, bún thịt nướng Hội An… Tôi cũng nhận ra rằng kem ở Hội An thật ngon, thanh mát. Tôi lại mua thêm cho mình vài bộ đồ lụa làm quà, những đồ khi mặc sẽ nhắc tôi về Hội An yêu quý.

Tôi cũng đi thăm lại Mỹ Sơn với những hiểu biết sâu sắc hơn về thánh địa, với sự giới thiệu vui tính của anh hướng dẫn viên du lịch cùng đoàn. Tôi lại được thưởng thức bữa tối tại quán ăn yêu thích gần biển Cửa Đại. Thật vui khi gặp lại gia đình chủ quán . Họ vẫn thế, đầm ấm, vui vẻ, yêu thương nhau qua từng cử chỉ dù bận rộn đón tiếp khách. Tôi cũng được thưởng thức lại hương vị bánh mì phố cổ của chị chủ người địa phương trên góc phố Nguyễn Huệ, Trần Phú. Chị đã theo mẹ chị bán bánh mì ở Hội An từ khi còn là cô bé 15-16 tuổi. Đến giờ chị đã là người mẹ trên 50 tuổi với hơn 30 năm bán bánh mì tại góc phố này, chứng kiến bao thăng trầm thay đổi của phố cổ và con người Hội An. Tôi cũng được lắng nghe những bản nhạc được biểu diễn bằng nhạc cụ dân tộc của những chàng trai, cô gái Hội An yêu âm nhạc và yêu giá trị dân tộc. Thật vui khi nhạc dân tộc Việt Nam có sức hút riêng với du khách quốc tế. Chỉ 1 lúc nhanh thôi, khi tiếng nhạc cất lên, nhiều du khách nước ngoài dừng lại lắng nghe chăm chú và chụp ảnh, ghi lại giây phút đó. Hội An vẫn tự hào như thế, là thành phố không có dây điện lộ thiên, không có cột anten tivi, không có xe máy chạy trong phố cổ những giờ cao điểm. Một tin vui nữa là từ dịp Tết Nhâm Thìn này, Hội An còn là thành phố đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á được phủ kín mạng lưới Internet không dây, miễn phí. - một tín hiệu mừng đưa Hội An đi xa hơn, rút ngắn khoảng cách thông tin với thế giới.
 
 

Hội An, ngày trở về, một chút xao xuyến vì sự đổi thay của Hội An, nhiều thương nhớ khi đi qua những con đường góc phố vẫn giữ nguyên nét cổ xưa, rêu cũ, và hạnh phúc bởi trái tim tôi đã không còn cô đơn nữa. Cảm ơn phố Hội đã đem lại sự yên bình cho tôi. Mong rằng phố sẽ không thay đổi theo hướng thương mại hơn nữa, mong rằng các nhà quản lý văn hóa và du lịch địa phương sẽ quan tâm đúng mức hơn nữa, để Hội An bên cạnh việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, cũng cần được quy hoạch phát triển phù hợp. Các spa, bar, khách sạn kiểu mới nên nằm xung quanh phố cổ chứ không nên xen kẽ trong trung tâm, để hình ảnh di sản văn hóa Việt Nam và thế giới - phố cổ Hội An vẫn giữ nguyên nét đẹp vốn có của nó.

Yêu Hội An thật nhiều.
Hội An, xuân 2012

No comments:

Post a Comment